THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CÁC TIÊU CHÍ, DANH HIỆU VĂN HÓA

Theo dòng thời gian, danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” được xác định là danh hiệu thi đua theo quy định tại Điều 20 của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương. Thông tư được ban hành đã phát huy hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước; thúc đẩy, vận động quần chúng nhân dân tham gia tích cực xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
Lễ công nhận Ấp Văn hóa Thới Phong B, xã Xuân Thắng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực tế việc bình xét, công nhận các danh hiệu cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, một số nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng chưa phù hợp với quy định của Luật Thi đua Khen thưởng (sửa đổi năm 2013) và thực tiễn trong quá trình thực thi pháp luật. Do đó, Bộ VHTTDL đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018, Quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” (gọi tắt là Nghị định 122). Sau đó, Cục Văn hóa cơ sở đã ban hành Công văn số 848/CVHCS-NSVH, ngày 30/11/2018 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 122.

Sự ra đời của Nghị định 122 một lần nữa cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương về văn hóa, nổi bật là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị định 122 có nhiều quy định chặt chẽ hơn trong việc bình xét và phong tặng các danh hiệu văn hóa và đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xét, công nhận các danh hiệu văn hóa được thống nhất, thực hiện theo các quy định của pháp luật; đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại, góp phần xây dựng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (viết tắt là TDĐKXDĐSVH) phát huy được hiệu quả và đi vào chiều sâu chất lượng, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

Với sự nỗ lực của toàn xã hội, Phong trào TDĐKXDĐSVH trong cả nước nói chung và trên địa bàn thành phố Cần Thơ nói riêng thời gian qua, đã từng bước phát triển sâu rộng. Tại Cần Thơ, thời gian qua, công tác xây dựng, nâng chất các danh hiệu văn hóa, luôn được lãnh đạo Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và kịp thời, đặc biệt là việc thực hiện các quy định của Trung ương. Tính đến nay, thành phố Cần Thơ hiện có trên 69.170 gương “Người tốt, việc tốt”; trên 259.467 hộ “Gia đình văn hóa” (tỷ lệ trên 95,75%); 629/630 Ấp, khu vực văn hóa (tỷ lệ 99,68%); 82/85 Xã, phường, thị trấn văn hóa, Xã văn hóa nông thôn mới và Phường, Thị trấn văn minh đô thị (tỷ lệ 96%).

Để thực hiện Nghị định 122 đạt được hiệu quả thiết thực trong thời gian tới, chúng ta cần triển khai thực hiện tốt một số vấn đề sau:

- Chủ động tập huấn, triển khai bằng nhiều hình thức nhằm đưa những nội dung Nghị định 122 đi vào cuộc sống. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng các danh hiệu nói chung, danh hiệu “Gia đình văn hóa” nói riêng. Bởi từ lâu nay Đảng và nhà nước ta đã nhấn mạnh gia đình là nền tảng, tế bào của xã hội. Vì vậy, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức, lối sống trong mỗi gia đình.

- Tiếp tục thực hiện tốt Phong trào TDĐKXDĐSVH; tuyên truyền, phát động xây dựng, công nhận và nhân rộng gương “Người tốt, việc tốt” và các điển hình tiên tiến. Phối hợp thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp và Ban Vận động ấp, khu vực. Thực hiện nghiêm quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp. Tăng cường giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc triển khai thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn xã, phường, thị trấn; việc xét công nhận “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu vực văn hóa”.

          - Thực hiện việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa trong Phong trào TDĐKXDĐSVH đúng với thực chất, trên cơ sở tự nguyện và chỉ xét tặng khi hộ gia đình, khu dân cư có đăng ký tham gia. Tránh tình trạng chỉ chú ý đến số lượng mà không quan tâm đến chất lượng. Kiên quyết không công nhận, không công nhận lại và thu hồi danh hiệu đối với các trường hợp chưa đạt hoặc vi phạm nghiêm trọng các nội dung tiêu chuẩn danh hiệu. Đối với các trường hợp bị thu hồi danh hiệu, tùy theo mức độ vi phạm, tiến hành kiểm điểm, phê bình và xử lý kỷ luật đối với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp./.

Tải tập tin đính kèm

Minh Trung
Các bài viết khác:
PHƯỜNG LONG HÒA ĐẠT CHUẨN VĂN MINH ĐÔ THỊ   (15/05/2020)
PHƯỜNG AN KHÁNH, QUẬN NINH KIỀU LONG TRỌNG TỔ CHỨC LỄ ĐÓN NHẬN DANH HIỆU PHƯỜNG VĂN MINH ĐÔ THỊ   (10/04/2020)
Sống với biến động thay đổi xã hội và gia đình Việt ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long   (10/04/2020)
60 năm cùng xây hạnh phúc   (10/04/2020)
TỔNG KẾT PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNGĐỜI SỐNG VĂN HÓA” THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM 2019; TRIỂN KHAI PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2020   (10/04/2020)
<<  <  1  2